Thông điệp cứng rắn của Trung Quốc trước thềm đàm phán thương mại với Mỹ ở Thụy Sĩ

Thông điệp cứng rắn của Trung Quốc trước thềm đàm phán thương mại với Mỹ ở Thụy Sĩ

Trung Quốc tuyên bố sẽ không vì đạt được thỏa thuận mà đánh đổi nguyên tắc, lập trường trong các cuộc đàm phán thương mại với Mỹ, đồng thời yêu cầu Washington dỡ bỏ thuế quan, ngay trước cuộc gặp cấp cao tại Thụy Sĩ.

Mỹ và Trung Quốc có cuộc đàm phán thương mại chính thức đầu tiên ở Thụy Sĩ từ ngày 9 – 12/5. Ảnh: Reuters.

Lập trường cứng rắn

Trước thềm cuộc gặp giữa Phó Thủ tướng Trung Quốc Hà Lập Phong và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent tại Thụy Sĩ từ ngày 9 đến 12/5, Bắc Kinh đã phát đi thông điệp cứng rắn, theo tờ Thời báo Hoàn Cầu.

“Trung Quốc sẽ không bao giờ chấp nhận một tình huống mà Mỹ nói một đằng, làm một nẻo, hay tiếp tục cưỡng ép và đe dọa dưới danh nghĩa đàm phán thuế quan”, người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc Hà Nhã Đông cảnh báo hôm 8/5. Ông khẳng định Bắc Kinh “sẽ không vì đạt được thỏa thuận mà đánh đổi nguyên tắc, lập trường cũng như công bằng và công lý quốc tế”.

Phát biểu tại họp báo cùng ngày, người phát ngôn cũng nhấn mạnh Trung Quốc “luôn phản đối mạnh mẽ việc Mỹ lạm dụng các biện pháp thuế quan”. Ông kêu gọi Washington “sửa chữa sai lầm và dỡ bỏ các mức thuế đơn phương”, đồng thời yêu cầu Mỹ “tôn trọng các quy tắc kinh tế thương mại quốc tế, lắng nghe tiếng nói hợp lý trong xã hội, và thể hiện thiện chí thực sự”.

Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump lại cho rằng chính Trung Quốc là bên khởi xướng đàm phán và tuyên bố không hạ thuế để đổi lấy việc Bắc Kinh ngồi vào bàn đàm phán. “Tôi sẽ không hạ thuế chỉ để khiến họ đồng ý gặp”, ông Trump nói với Reuters.

Tuy nhiên, Đại sứ quán Trung Quốc tiết lộ rằng Mỹ đã chủ động tiếp cận Bắc Kinh qua nhiều kênh, “tích cực thể hiện mong muốn đối thoại về thuế quan và các vấn đề liên quan”. Sau khi cân nhắc, Trung Quốc mới đồng ý tiến hành đàm phán “theo đề nghị của phía Mỹ”.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh: “Quyết tâm của chúng tôi trong việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp sẽ không thay đổi, cũng như mục tiêu giữ vững công lý quốc tế và hệ thống thương mại đa phương”.

Nhận định của chuyên gia

Giới chuyên gia Trung Quốc nhận định cuộc gặp tại Thụy Sĩ là bước đầu để hai bên nối lại đàm phán thương mại chính thức.

“Trừ khi Mỹ thể hiện thiện chí thực sự, đối thoại mang tính thực chất sẽ không thể tiếp tục”, Cao Lĩnh Vân, nhà nghiên cứu tại Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, nói với tờ Hoàn Cầu. “Lập trường của Trung Quốc luôn rõ ràng: bảo vệ lợi ích hợp pháp và duy trì các chuẩn mực quốc tế”.

Trước đó, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent cho biết Washington đang cân nhắc miễn thuế cho các mặt hàng trẻ em như ghế ô tô và xe đẩy – vốn có thể chịu mức thuế lên tới 145%. Còn ông Trump thì tuyên bố sẽ giảm thuế “vào một thời điểm nào đó, nếu không thì không ai có thể làm ăn với họ được”.

Theo chuyên gia Cao, những tín hiệu trái chiều như vậy cho thấy tiến trình đàm phán “sẽ kéo dài, và Trung Quốc không vội nếu Mỹ chưa có thiện chí rõ ràng”.

Cùng quan điểm, ông Tống Quốc Hựu – Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Mỹ, Đại học Phúc Đán – cho rằng chiến lược thuế quan của Mỹ bị giới hạn bởi “sự phụ thuộc sâu rộng vào hàng hóa Trung Quốc”. Ông nói: “Washington dùng ngôn từ cứng rắn để làm yên lòng công chúng trong nước, nhưng điều đó không giúp đạt được mục tiêu chính sách hay giải quyết vấn đề nội tại. Ngược lại, nó có thể khiến Mỹ gặp bất lợi trong các cuộc đàm phán khác”.

Đọc nhiều nhất

Tin mới

Gaza nóng trở lại: Israel mở cuộc tấn công mới, quy mô lớn

Gaza nóng trở lại: Israel mở cuộc tấn công mới, quy mô lớn

Hơn 150 mục tiêu ở Dải Gaza bị Israel tấn công chỉ trong một ngày. Khác với các chiến dịch trước đây đánh nhanh rút gọn, lần này IDF được cho là sẽ hiện diện sâu hơn trong các khu đô thị lớn ở Gaza – một sự thay đổi đáng kể trong chiến thuật quân sự.
IMF giải ngân 1 tỷ USD cho Pakistan bất chấp phản đối từ Ấn Độ

IMF giải ngân 1 tỷ USD cho Pakistan bất chấp phản đối từ Ấn Độ

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vừa phê duyệt khoản giải ngân trị giá 1 tỷ USD cho Pakistan, đồng thời bật đèn xanh cho một gói vay mới trị giá 1,4 tỷ USD, dù gặp phải sự phản đối mạnh mẽ từ Ấn Độ. Động thái này diễn ra trong bối cảnh căng thẳng chính trị và quân sự giữa hai quốc gia Nam Á đang leo thang nghiêm trọng.
OSZAR »